ĐỂ NGÔI NHÀ LÀM BẠN VỚI MƯA
Từ nghìn xưa, con người đã làm nhà để che nắng, che mưa. Bao nhiêu điều thông thái được nghĩ ra để ngôi nhà và con người an toàn dưới cơn mưa. Xu hướng sống gần với thiên nhiên đặt ra yêu cầu cho những Kiến trúc sư ngày nay. Làm sao để ngôi nhà "làm bạn" với mưa.
Sau khi xây, phải có một quá trình ở mới khiến nhà "lộ ra" chỗ nào bị mưa tạt, bị nắng chói hay thấm, nứt, lún...mà hầu như mọi ngôi nhà không ít thì nhiều đều mắc phải. Người xây nhà lâu năm, dù có kinh nghiệm cũng cứ "đến hẹn lại lên" vào mùa mưa hay sau một đợt "trái gió trở trời" là bị chủ nhà kêu đến bảo hành. Dân trong nghề hay nói "nhất thủy nhì hỏa", ba cái vụ ngấm dột xì ra chỗ này nhưng gốc của nó lại từ chỗ khác, phải biết mới chung sống được.
Hồi tôi mới vào nghề bốn chục năm trước nghe nói mấy trường công chánh, kiến trúc có dạy môn "bệnh học công trình", các thầy chỉ dạy về chống thấm chống dột bằng cách thức thiết kế lúc đầu ra sao, thi công thế nào...Dĩ nhiên thời nay có nhiều kỹ thuật chuyên sâu, khi cần có thể gọi công ty chuyên môn xử lý, chứ ông thầu hay mấy bạn kiến trúc sư không thể nào biết hết, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh vai trò của "phòng bệnh" hơn chữa bệnh. Để nhà sống khỏe trong thời tiết mưa nắng thường trực ở xứ mình thì cần học hỏi nhà xưa mấy điểm sau:
- Học cái nón lá, hàng hiên: Về ăn mặc, cha ông mình sáng tạo cái nón lá nhẹ nhàng tối giản mà hiệu quả tối đa, che nắng che mưa ngon lành bởi viền quanh rộng rãi, đơn giản phẳng phiu không ngóc ngách cầu kỳ. Về ăn ở, cha ông mình dù làm nhà ở đâu cũng có hàng hiên, nhà trên nhà dưới nối nhau bằng lối đi có mái che, trước sân tiếp khách hay sau bếp rửa chén cũng phải có hiên che. Nhẹ thì lợp lá lợp tranh, mà xịn xò thì lợp ngói hoặc đúc tấm, thời nào giàu nghèo gì cũng không quên mấy hiên che chắn đó.
Tôi không hiểu thế hệ sau này làm nhà ở xứ mưa nắng như miền Nam mình mà theo kiểu trụi lùi, không có "nón lá nghiêng che" thì lấy gì chắn mưa chắn nắng vậy, mấy ông kiến trúc thường không cho "đụng vô" hình thức bên ngoài mà mấy ổng sáng tạo. Thành ra, vô ở rồi gia chủ phải gắn thêm mảng miếng che chắn vô rất mất thẩm mỹ mà vẫn không hiệu quả.
- Học cái máng xối, lu nước: 2 chi tiết này tôi thấy nhà tây kết hợp với nhà dân gian ta thành cặp đôi dẫn nước và chứa nước mưa rất ăn ý. Anh máng xối ốm nhom thì chạy lòng vòng thu nước trên mái xuống, cho chị lu sành mập mạp đứng dưới hứng trọn lộc trời ban, sau đó bà con ta lấy nước xài dần vô đủ thứ việc. Giờ hiện đại rồi mất dần máng xối dàn lu, mưa mới vài phút nhìn ra thấy từ phố vô hẻm nước ngập thấy thương. Đó là vì mưa xuống không có cái thu giữ lại mà tuôn chảy ào ào từ mái xuống sân, mà sân thì bê tông hóa hết không chừa miếng đất nào để tự thấm, nên tuôn nhanh ra đường, xuống cống, thì hệ thống cống nào thu gom cho xuể.
- Tôi vẫn nhớ cách đây vài năm có chuyên gia đề xuất dùng"lu chống ngập" thực ra là cách nói dân dã về vấn đề thời nay có thể học hỏi, kế thừa kinh nghiệm của cha ông trong ăn ở, ứng xử với môi trường, nhưng đã bị dư luận hiểu sai. Phần tôi cho rằng ý kiến đó đáng suy ngẫm trên cơ sở cần xem xét toàn diện nhiều giải pháp từ dân gian đến hiện đại để chung sống với các vấn đề biến đổi khí hậu, ngập nước...trong quá trình phát triển đô thị. Riêng với làm nhà ở tư nhân thì không thể chạy theo hình thức, hình khối đơn thuần cho ngầu, cho đẹp, mà lơ là các giải pháp kỹ thuật nhằm "chung sống tốt" với mưa nắng, để cho nắng mưa không còn là "chuyện của trời" nữa, mà là chuyện của mọi người liên quan khi làm nhà.
Sưu Tầm
Nhà Đẹp Vinh: Chuyên thiết kế và thi công trọn gói các công trình dân dụng và công nghiệp
Đến với chúng tôi: Chuyên nghiệp- Tận Tâm- Uy Tín- Chất lượng
Hotline: 0978 825 875
Tag: Thiết kế nhà đẹp uy tín tại Nghệ An, Thiết kế nhà đẹp giá rẻ tại Nghệ An, Thiết kế nhà đẹp uy tín tại Hà Tĩnh, Thiết kế nhà uy tín tại Tp Vinh, Thi công trọn gói giá rẻ tại Nghệ An, Thi công trọn gói giá rẻ uy tín tại Nghệ An